Bài đọc: Kh 10:8-11; Tv 19:45-48; Lc 19,45-48
Trong tháng 11 này, Giáo hội Việt Nam có dịp mừng kính các thánh tử đạo tại quê hương mình. Đặc biệt hôm nay, Hội thánh hoàn vũ cũng mừng lễ thánh Cêcilia, trinh nữ – tử đạo. Mỗi khi nghĩ về hai chữ tử đạo, tôi có nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Dường như sống đạo, ở thời nào cũng vậy, luôn gắn liền với việc bị ngược đãi, bị chống đối. Điều này đã được Chúa Giêsu báo trước rất nhiều lần, đặc biệt, trình thuật Tin mừng hôm nay là một minh chứng rất rõ ràng.
Chúa Giêsu đã vào thành Jerusalem, Người không chịu được những tệ nạn đang diễn ra trong đền thờ, và Người đã xua đuổi họ. Việc này phần nào ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của giới lãnh đạo tôn giáo thời ấy. Cùng với đó, dân chúng ngày càng xem Chúa Giêsu như một vị lãnh đạo mới. Tất cả những điều đó làm chướng mắt giới cầm quyền. Vì thế, “các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy.” Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, vì sứ mạng rao giảng chân lý mà Chúa Giêsu trở thành tâm điểm bị chống đối, trở thành nạn nhân của những âm mưu trần thế.
“Môn đệ thì không hơn Thầy” cho nên, việc các tín hữu Chúa Kitô bị ngược đãi, bị chống đối là chuyện không có gì khó hiểu. Những ai theo Chúa bị ganh ghét vì đã sống sự thật giữa xã hội ưa chuộng dối gian. Trong một thế giới đề cao “sự tự do cá nhân”, người sống theo Tin mừng lại tự nguyện tuân giữ và rao giảng về những giới răn, những luật lệ khác người. Ở thời buổi mà người ta cho rằng thước đo giá trị đạo đức của một hành vi là chính lương tâm từng người, thì môn đệ Chúa Kitô dám lên tiếng khẳng định chỉ có luật Thiên Chúa mới là luật tối hậu mà con người phải tuân theo. Cụ thể hơn, trong khi nhiều người nại đến quyền tự do để ủng hộ việc phá thai, thì với các môn đệ Chúa Kitô, đó là hành vi giết người ghê tởm, không hơn không kém. Con người không có quyền định đoạt mạng sống của bất kỳ một ai… Còn rất nhiều những ví dụ để thấy rằng, chính việc sống ngược dòng so với đại đa số người cùng thời, là lý do Kitô giáo trở thành mục tiêu chống đối, ngược đãi.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, mỗi người mang danh là môn đệ Chúa Kitô cần phải chứng tỏ niềm tin của mình cách sâu sắc hơn. Giống như Chúa Giêsu, dù biết rằng ở Jerusalem sẽ phải chịu bắt bớt, xét xử, đánh đập, giết chết… nhưng Người vẫn cương quyết đến cùng để làm điều mình phải làm. Các thánh tử đạo, cách riêng là thánh Cêcilia mà Giáo hội mừng kính hôm nay đã sống anh dũng theo gương Thầy Chí Thánh dù phải chịu cảnh tù tội, đánh đập, xa cách gia đình, và đến cả cái chết. Các ngài là mẫu gương sống động để tất cả các môn đệ Chúa noi theo.
Hôm nay, mỗi người hãy hồi tâm xét mình, liệu rằng có bao giờ ta nhút nhát, ta thoái chí, ta thỏa hiệp trước những khó khăn đang khi cố sống niềm tin của mình chưa? Thật ra, ngày nay, các Kitô hữu ít có dịp đổ máu tử đạo vì đức tin như các tiền nhân. Nhưng hãy còn đó các cuộc tử đạo trắng, nghĩa là, sẵn sàng chấp nhận phần thiệt thòi, mất mát tiền bạc, sự nghiệp, các mối quan hệ vì cương quyết không làm trái luật Chúa. Noi gương các bậc cha anh đi trước, mỗi người ngày hôm nay cũng hãy can đảm đón nhận những cuộc tử đạo trong đời sống hàng ngày của mình.