Bài đọc: Kh 5:1-10; Tv 149:1-2,3-4,5-6,9; Lc 19:41-44

Tôi thích tham quan các di tích lịch sử. Nhiều khi đứng trước một địa danh, một công trình nào đó từng có thời kỳ huy hoàng, tôi tưởng tượng thời hoàng kim ấy, như một thước phim tài liệu được chiếu trên nền hiện tại.  Những điều này khiến tôi nhận ra rằng mọi thứ thuộc về thế gian đều tuân theo quy luật của sự đổi thay và biến chuyển theo thời thế. Không có gì tồn tại mãi được giữa dòng đời vân cẩu.

Những suy tư ấy làm tôi liên tưởng đến câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Khi đứng trước thành Jerusalem tráng lệ, Chúa Giêsu không chỉ nhìn thấy vẻ huy hoàng hiện tại mà còn thấy trước sự sụp đổ của nó, và Người đã khóc. Người cảm thương vì rồi đây, Jerusalem – niềm tự hào của dân Do thái – “sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào”.

Tất cả những lời của Chúa Giêsu về thành Jerusalem đã đúng về nghĩa đen, khi vào năm 70, quân đội La mã đã vây hãm và bình địa nó. Chắc chắn, mỗi Kitô hữu không nên chỉ dừng lại ở nghĩa mặt chữ của những lời Chúa Giêsu đã dạy. Hãy chú ý câu cuối của Người: “vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” Đây chính là lý do chính khiến Người rơi lệ và cũng là lời cảnh báo vượt thời gian, nhắc nhở các môn đệ của Người đừng bỏ lỡ những cơ hội gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Trong cuộc sống, con người cần xây dựng nhiều giá trị như công danh, sự nghiệp, các mối quan hệ hay những thú vui. Đây đều là những nhu cầu chính đáng. Nhưng là một người sống đức tin, mỗi người không được phép tự giới hạn tầm nhìn ở những giá trị sẽ có ngày sụp đổ ấy. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôxê cũng kêu gọi: “Anh em hãy hướng lòng trí về những sự trên trời, chứ đừng chú tâm vào những sự dưới đất” (Cl 3:2). Các môn đệ Chúa Giêsu phải hướng đến các giá trị cao hơn. Đó là sự bình an nội tâm, là sống yêu thương đồng loại, và quan trọng nhất là sự gặp gỡ và ở lại với Chúa.

Nhưng trong nhịp sống hối hả ngày nay, làm sao để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng biến cố? Giống như dân thành Jerusalem xưa, tôi có dễ dàng bỏ lỡ cơ hội để gặp gỡ Người không? Hôm nay, mỗi Kitô hữu được mời gọi dành giờ để hồi tâm xét mình. Liệu rằng trong lối sống vội của thời đại này, đã bao lần ta nhận biết Chúa đang ở bên ta? Và còn bao lần ta đã hững hờ đi ngang qua Người như một người dưng? Liệu tôi có thấy Chúa trong những lúc vui, buồn, hay cả những thử thách nhỏ bé nhất? Chẳng hạn, trong lời khuyên của một người bạn, trong nụ cười của một người xa lạ, hay trong những giờ cầu nguyện âm thầm? Đừng để những giọt nước mắt Chúa khóc thành Jerusalem ngày xưa, thành lời than khóc cho từng người hôm nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *