1
Lúc Ông Năm ráp xong cái máy D9 (một loại động cơ Diesel) thì mặt trời cũng đã xế bóng. Ông ngồi xuống bộ ghế đá trong xưởng sửa máy của mình, lấy giẻ lau tay, uống một ly trà rồi rít một hơi thuốc cho đầy phổi. Ông nhẩm tính phần lời của lô hàng sắp giao “kì này trúng mánh rồi”, ông cười đắc chí. Ở cái xóm này và các xóm lân cận ai cũng biết Ông Năm Thợ máy, người ta gọi quen như thế là vì ông thứ Năm, làm nghề sửa máy. Ở miền tây, người ta dùng động cơ máy nổ rất nhiều, từ việc di chuyển, chạy máy phát điện, cho đến việc bơm, tát nước cho các vụ mùa trong năm. Vì thế, công việc sửa máy của ông không sợ thất nghiệp bao giờ. Mấy năm gần đây, sức khỏe của ông đã không còn dẻo dai như hồi xưa, vì thế ông ít nhận sửa máy mà chuyển qua mua bán máy cũ.
Ông Năm còn chưa hút hết điếu thuốc thì nghe ngoài cửa có tiếng gọi:
- Anh Năm ơi! Có nhà không, Anh Năm?
- Có, có chuyện gì không, chú?
Ông Năm vừa trả lời vừa nhìn người khách lạ. Ông cố nhớ xem mình đã gặp người đàn ông trạc 40 tuổi này bao giờ chưa. Cuối cùng ông tự kết luận: chưa gặp bao giờ.
- Tôi có việc muốn nhờ anh Năm giúp.
- Có chuyện gì thì chú nói thẳng ra luôn đi!
- Chuyện là tôi có cái Mazda 4 máy cần phải đại tu (sửa chữa, tân trang toàn bộ). Mà tôi hỏi thì người ta nói cả cái vùng này chỉ có mình anh làm được các loại máy lớn, nên tôi muốn nhờ anh giúp tôi. Được không anh Năm?
- Hình như chú không phải người ở vùng này.
- Tôi thứ Tư, tên Hải. Tôi ở xóm chợ trên kia, mà tôi mới dọn về ở thôi, anh Năm không biết là phải rồi.
- Tôi giúp chú cũng được nhưng phải có thời gian. Phụ tùng máy này ở đây không có, tôi phải đặt rồi chờ hàng ở Cần Thơ gửi về. Với lại, tôi làm một mình và chỉ làm giờ rảnh thôi. Chú chịu thì tôi làm?
- Anh Năm chịu giúp là tôi mừng lắm rồi. Bao lâu cũng được, tôi không gấp đâu. Với lại, tôi cũng biết một ít về máy móc, tôi có thể phụ anh được.
- Vậy ngày mai chú chở máy qua, giờ tôi nghỉ làm rồi.
- Vậy ngày mai tôi đến nhe, Anh Năm!
- Ừ, vậy đi!
2
Đúng hẹn, sáng hôm sau Tư Hải thuê một chiếc tải nhỏ vận chuyển cái máy Mazda đến tiệm ông Năm. Ổn định đâu vào đó, ông Năm bắt tay vào việc ngay. Từ bây giờ, ông Năm có thêm thợ phụ, đó là Tư Hải. Thật ra, cái máy cũng không hư hỏng gì nhiều, chỉ là lâu ngày không sử dụng nên nhiều bộ phận không hoạt động nữa. Ông Năm kiểm tra từng chi tiết, cái nào cần thay, cái nào có thể sửa được… Tư Hải thì Ông Năm kêu đâu làm đó, kiểu như thợ học nghề vậy. Mỗi ngày, hai người đàn ông chỉ làm một buổi, còn lại một buổi thì lo việc gia đình. Tư Hải cách vài hôm lại mang biếu Ông Năm khi thì cây thuốc Ba Số (555), khi thì túi trà Thái Nguyên,… Những lúc ngồi nghỉ mệt, hai người thường hỏi han nhau về gia đình, công việc và bán tán đủ thứ chuyện trên đời, dần dần họ trở nên thân thiết hơn.
Thấm thoát mà cũng gần một tháng đã trôi qua. Một hôm sau khi ráp lại gần như hoàn chỉnh cái máy, họ ngồi lại nghỉ tay như thường lệ. Ông Năm pha một ấm trà, ngồi xuống rồi nói:
- Hết bữa nay chắc là xong rồi đó, Chú Tư!
Tư Hải mồi một điếu thuốc, rít một hơi rồi nói:
- Vất vả Anh Năm quá, xong rồi hết bao nhiêu Anh Năm cứ tính cho tôi, nhe!
Ông Năm không trả lời câu nói của Tư Hải. Ông cũng rít một hơi thuốc thật sâu, từ từ nhả ra một làn khói trắng, ông nói:
- Thật ra, tôi biết ông cha không phải đến đây để sửa máy thôi. Ông cha muốn gì ở tôi?
Tư Hải bất ngờ nhưng vẫn bình tĩnh:
- Vậy ra Anh Năm biết tôi rồi?
- Ở cái xóm này, muốn biết cái gì thì cứ ra mấy quán café ngoài chợ là biết hết. Tôi biết ông là ông cha từ mấy ngày đầu kìa!
- Không giấu gì Anh Năm, tôi là linh mục ở nhà thờ xóm chợ. Tôi mới thuyên chuyển về đây chừng nửa năm. Mấy tháng trước, tôi cùng ban quới chức đi thăm viếng giáo dân, có đi ngang qua nhà Anh Năm. Lúc đó, tôi nghe trong nhà có tiếng hát bản kinh Salve Regina rất tâm tình. Mà lạ là ban quới chức nói nhà anh không có đạo. Tôi thì không nghĩ vậy, bởi một người không biết Chúa, không biết Đức Mẹ khó có thể hát một bài kinh tiếng Latin cách sốt sắng và có hồn như vậy. Tôi muốn ghé vào hỏi thăm nhưng ông Trùm khuyên không nên, vì Anh Năm rất ghét mấy cha với người của nhà thờ. Trở về nhà xứ, tôi cứ suy nghĩ mãi về việc này. Cuối cùng, tôi đi tìm mua cái máy cũ này và mang đến nhờ Anh Năm sửa! Vậy đó!
- Mấy ông cha, mấy bà phước trong đạo các ông suốt ngày toàn giảng về đạo lý rất cao đẹp, mà đời sống của mấy người lại không được như những gì mấy người giảng. Tu hành mà cứ ganh tị, hơn thua, cà chớn quá… tôi ghét là phải. Ban đầu, nếu tôi biết ông là ông cha thì tôi cũng đuổi thẳng cổ rồi.
- Chắc là Anh Năm đã từng gặp nhiều linh mục sống không tốt nên mới sinh ra ác cảm như vậy?
- Chẳng những linh mục, mà cả các bà phước cũng vậy! Để tôi kể cho ông cha nghe rồi ông tự suy nghĩ!
3
Chuyện xảy ra cũng lâu lắm rồi. Ngày ấy có bà phước trẻ được sai đến phục vụ ở một họ đạo kia. Chị này tuổi trẻ năng nổ, nhiều tài lại có nhiệt huyết nên làm được rất nhiều việc, mà việc nào làm cũng tốt đẹp. Giáo dân ai cũng quý mến. Cha sở có việc gì cũng nhờ. Ở đời, nói xin lỗi! “trâu cột ghét trâu ăn”, chị được lòng giáo dân với ông cha bao nhiêu thì về nhà mất lòng bà phước lớn ở nhà bấy nhiêu. Bà phước lớn sợ chị làm ảnh hưởng đến địa vị của bà trong họ đạo, lúc nào cũng muốn làm giảm uy tín của chị. Nói hành, nói xấu sau lưng coi bộ không đã, lên mâm cơm mà tiếp tục nói, toàn những lời cay nghiệt. Chị nhỏ cứ trân người ra chịu. Hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng tháng. Mà nước nhỏ giọt lâu ngày cũng tràn ly. Có một lần chuẩn bị lễ Giáng Sinh, vì công việc bà lớn giao hết cho chị, chị phải làm từ sáng đến tối, từ tối đến sáng… Một hôm chị cắm hoa về trễ, người mệt lả, trong bụng chưa một hạt cơm. Vừa vào nhà, bà lớn ở nhà phán như dội nước vào mặt: “hay là chị dọn đồ qua bên nhà xứ ở luôn đi!” Sự chịu đựng của chị nhỏ bây giờ đã vượt quá giới hạn, tức nước vỡ bờ, bao nhiêu dồn nén, bao nhiêu cay đắng, cộng thêm cái mệt mỏi, chị trút tất cả vào hai cái bạt tay lên mặt bà lớn. Chị ném luôn cái giỏ đồ cắm hoa vào mặt bà, rồi một thân một mình chạy thẳng vào con đường tối đen trước mặt. Chị chạy mà không biết mình chạy đi đâu, chỉ biết là chị thề với lòng sẽ chạy khỏi cái chỗ đó và không bao giờ quay lại. Chị cũng không biết chị đã chạy bao lâu, bao xa, chỉ đến khi thấy không còn sức để chạy nữa chị mới quỵ xuống đường, thở dốc. Chị không biết đây là chỗ nào, xung quanh vắng hoe, lạnh ngắt. Chị định chợp mắt, thì nghe có tiếng người đi tới, chị mở mắt thấy hai cái bóng đen như là đang say rượu lăm lăm đi lại phía chị ngồi. Linh cảm biết có chuyện không hay, chị lấy hết sức bình sinh mà vùng lên chạy tiếp. Chị chạy thì hai gã say cũng đuổi theo, gọi to: “Này em! Đừng có chạy chớ. Muốn bao nhiêu thì tụi anh trả cho!”. Chị nghe càng sợ, càng sợ chị càng chạy… Một lúc sau chị chạy đến khu chợ. Chợ đêm cũng vắng tanh nhưng ít ra cũng có nhà người ta. Chị vừa chạy vừa kêu cứu. May mắn là lúc đó có một anh xe ôm vừa trả khách ở gần đó. Nghe kêu cứu anh chạy đến xem. Thấy có người, hai gã kia không đến gần thêm, chỉ đứng chửi đổng vài câu rồi bỏ đi. Lúc này, chị như người chết rồi, phần vì sợ, phần vì mệt, phần vì đói… chị không nói được câu nào. Anh xe ôm lấy cho chị chai nước, chị nhấp từng ngụm. Một lúc lâu sau chị mới định thần được.
- Chị ở đâu để tôi đưa chị về nhà?
- Tôi không có nhà, chị nói trong đứt quãng, cha mẹ tôi… mất hết rồi…
- Vậy bây giờ chị muốn đi đâu, tôi sẽ đưa chị đi, chị yên tâm, nếu chị không có tiền thì tôi chở miễn phí.
- Tôi biết đi đâu bây giờ. Tôi đói quá!
- Giờ này đâu còn ai bán gì đâu mà ăn. Tôi còn một ít cơm mang theo tối nay, chị không ngại thì dùng phần đó đi.
- Cám ơn anh!
Chị vừa ăn vừa kể lại đầu đuôi câu chuyện cho người đã cứu mạng mình. Câu chuyện được kể trong nước mắt và kết thúc bằng một câu: “Anh đừng khuyên tôi về đó, có chết tôi cũng không về đâu!”
- Thì tùy chị thôi, dù sao tôi cũng có biết gì đâu. Mà bây giờ khuya rồi, chị không thể ở ngoài này suốt đêm được. Hay là đêm nay chị về ở tạm nhà tôi, ngày mai tính tiếp. Tôi cũng là trẻ mồ côi, tha hương cầu thực, nhà mà tôi nói chỉ là căn phòng trọ thôi. Chỗ tôi cách đây cũng hơi xa, chắc không ai biết chị đâu.
- Tôi còn gì nữa đâu mà sợ. Tôi mang ơn anh nhiều lắm!
Vậy là anh xe ôm đưa chị về phòng trọ. Anh nhường cả phòng cho chị ngủ, còn anh thì xách chiếc chiếu ra ngủ ngoài hiên…
Ông Năm dừng câu chuyện, lại rít một hơi thuốc đầy phổi, từ từ nhả ra làn khói trắng mịt mờ, ông nhìn cha Hải:
- Ông cha có muốn nghe tiếp không?
- Anh Năm kể đi, tôi đang nghe – cha Hải gạt tàn thuốc, nghe tiếp câu chuyện của Ông Năm.
- Anh xe ôm đó là tôi, còn chị kia là vợ tôi bây giờ! Hôm sau, tôi thuê cho chị một phòng trọ. Biết chị có nghề may, tôi sắm cho chị một dàn máy may để may vá sinh nhai. Tôi thì vẫn vậy, ngày đi làm thợ máy, tối đến chạy xe ôm kiếm thêm. Cuộc sống của chị cũng dần ổn định lại. Chị thường giúp tôi làm các việc nhà, nấu luôn phần cơm cho tôi, nhưng nhà ai thì nấy ở. Dần dần tôi thấy có cảm tình với chị, chắc là chị cũng vậy. Một lần tôi ngỏ ý muốn cưới chị làm vợ. Chị đồng ý với điều kiện là phải chờ thêm một thời gian nữa, vì chị còn mắc lời khấn gì đó. Vậy là tôi chờ thêm một năm nữa, chị đã thành vợ tôi. Vì công việc của tôi, chúng tôi thường thay đổi chỗ ở, nhưng vợ tôi vẫn chấp nhận không kêu ca gì cả. Cuộc sống của chúng tôi êm đềm, hạnh phúc. Nhưng tôi cảm nhận vợ mình vẫn có nỗi niềm gì đó chưa cho tôi biết. Mãi sau này bà mới nói, bà nhớ Chúa, nhớ nhà thờ và bà cũng cho tôi biết cuộc hôn nhân của chúng tôi là hôn nhân rối. Bà có một ước nguyện là được chính thức làm phép hôn phối với tôi trước mặt Chúa. Tôi thương vợ nên theo bà xin đi học đạo. Chúng tôi đến một nhà thờ, ông cha ở đó biểu tôi học giáo lý. Ông cha đưa bài kêu tôi học thuộc lòng, mà tôi thì dốt chữ, học hoài không thuộc. Một lần, hai lần, rồi ba lần không thuộc bài, ông cha chửi tôi trước mặt cả lớp… tôi cũng mất kiên nhẫn, bỏ về. Chắc vợ tôi thương tôi nên không ép tôi đi học nữa…
Ông Năm kết thúc câu chuyện ở đó, không ai nói với ai câu nào. Hai người đàn ông ngồi đối diện với làn khói thuốc mờ ảo, thời gian thật chậm, thật chậm. Một lúc sau, cha Hải lên tiếng:
- Tôi hiểu phần nào cảm giác của Anh Năm. Tôi không bệnh vực ai cả. Nhưng Anh Năm nè! Là con người ai cũng có lỗi, ai cũng thiếu sót hết “nhân vô thập toàn” mà. Họ đâu phải là Chúa đâu. Tôi với tư cách một linh mục thay mặc một linh mục xin lỗi anh, được chứ! Mình cũng qua dốc bên kia cuộc đời cả rồi, bỏ đi cho nhẹ lòng Anh Năm à!
- Tôi cũng biết vậy. Nhưng thà là một người bình thường cư xử vậy tôi không trách. Đằng này mang danh tu hành mà sống quá tệ.
- Anh Năm nói cũng phải, nhưng cũng còn có nhiều người tu luôn cố gắng sống thật tốt bổn phận của mình đó thôi. Với lại, hà tất vì người dưng mà anh để cho vợ mình phải khổ suốt phần đời còn lại, phải không?
- Thì tôi thấy ông cha không giống những người kia nên tôi mới kể cho ông nghe đây.
- Vậy bây giờ Anh có muốn phần đời còn lại của Chị Năm được bình an, thanh thản không?
- Tất nhiên là tôi muốn rồi!
- Vậy Anh Năm làm phép cưới với Chị Năm trước mặt Chúa đi.
- Được, mà ông cha có biểu tôi học giáo lý không?
- Có chứ, nhưng anh đừng lo, tôi không bắt anh học thuộc lòng đâu, có nhiều cách dạy giáo lý mà. Tôi cũng không ép ai theo đạo. Tôi sẽ cắt nghĩa những nét căn bản của niềm tin Công giáo, quan trọng là đời sống hôn nhân Công giáo. Nếu anh muốn theo đạo thì tôi rửa tội, còn không tôi sẽ xin phép chuẩn đạo ai nấy giữ cho anh và chị. Như vậy là gỡ rối cho Chị Năm đó.
- Vậy thì cũng có gì khó đâu!
4
Vậy là giờ đây mỗi ngày cha Hải lại đến nhà Ông Năm. Lần này cho đến không phải để sửa máy nhưng là đến để mang về cho Chúa những con chiên lạc.
Ba tháng sau, Ông Năm xin được rửa tội và cử hành lễ hôn phối với Bà Năm trước mặt Chúa và Hội thánh. Cả họ đạo vui mừng, cha Hải vui mừng, Ông Năm thấy vợ vui mừng nên ông cũng mừng, và vui nhất là Bà Năm.
Sau thánh lễ, cha Hải dẫn Ông Bà Năm đến trước Đức Mẹ để dâng lời tạ ơn. Cha Hải cất giọng hát bài kinh Salve Regine, Bà Năm cũng hát theo cha, nước mắt lăn dài nhưng là trong niềm hạnh phúc. Đã hơn ba mươi năm rồi còn gì nữa!