Samaria, hai ngàn năm sau

Tản mạn

Ở cái xứ tít cùng đất nước, việc đi lại của người ta vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào các con kênh, con rạch. Có khi muốn qua chợ mua của hành, củ tỏi cũng phải chờ con nước lớn mới có phà qua lại. Nhà thờ giáo xứ cách chợ xã một con sông. Sông  khá to nhưng cạn. Mỗi khi nước ròng, lòng lạch chỉ còn chừng hai mét, còn lại là bãi bồi. Rất ít phương tiện có thể đi được.

Sáng hôm ấy, mình có việc phải đi từ nhà thờ qua chợ, biết nước đang ròng, nhưng hỏi thì chuyến phà vẫn còn chạy được, và chạy chuyến cuối rồi nằm đợi nước. Phà đi qua sông lớn, nhưng bến phía nhà thờ nằm thụt trong con kênh nhỏ nữa. Nghĩa là nó phải chạy dọc con kênh nhỏ đó khoảng năm trăm thước trước khi băng ngang sông lớn.

Ông chủ đò nặng nhọc ghì máy cho chiếc phà đi trong lòng sông giờ chỉ còn vừa đủ bề ngang chiếc phà (ai từng lái xuồng, lái phà khi nước cạn sẽ biết.)

  • Chuyến cuối hả, bác? – mình bắt chuyện.
  • Vâng, thầy đi rồi sao về được?
  • Không sao, cùng lắm thì đợi nước.

Mình với ông chạy đò còn đang nói chuyện thì máy tắt. Ông nhăn mặt nói:

  • Vướng rác rồi, thầy!

Nhìn về phía chân vịt ông vừa nhấc lên, mình thấy một cái bao ny long cuộn tròn. Tình hình này thì phải lội xuống gỡ rác thôi. Mình đã quá quen với cảnh này rồi.

Cũng vừa lúc đó, có hai cha con đang bơi chiếc xuồng ngược hướng:

  • Chào thầy!
  • Chào bác, chào anh! Đi mần về hả?
  • Dạ, thầy đi chợ hả?
  • Dạ, mà vướng rác rồi!

Mình mừng thầm, có hai cha con nhà kia bơi xuồng tới chỗ chân vịt gỡ rác là hợp lý quá. Không phải đợi lâu. Ông lái đò cũng không phải cởi quần lội xuống dòng nước đen kịn kia. Vẹn cả đôi đàng. Quá đẹp đội hình.

Ngặt cái nỗi đời không như mơ. Họ chào tôi, họ bơi ngang chỗ chân vịt chiếc phà, nhìn nhìn rồi….tiếp tục bơi theo dòng sông lạnh ngắt. Bỏ lại mình đứng chưng hửng mất mấy giây để định hình xem chuyện gì đang diễn ra. Hai cha con này là người trong giáo xứ, giáo dân của mình? Anh con là học trò giáo lý của mình nữa!

Sau một thoáng giật mình, biết mình định mở lời nhờ họ, ông chủ đò can:

  • Thôi thầy! Họ không muốn giúp thì thôi.

Vừa nói ông vừa cởi cái quần dài ra để lội xuống sông. Mình buông một hơi thở dài thườn thượt. Cũng may, đang lúc ấy có một chiếc đò bao chạy tới. Ông này ở xóm người lương gần nhà thờ. Chắc đã thấy từ xa, nên khi gần đến chỗ chiếc phà thì ông tắt máy, gỡ rác dùm. Gỡ xong ông cười chào chúng tôi rồi tiếp tục chuyến đò của ông.

  • Cám ơn chú Tám.
  • Cám ơn bác nhé!

….

Chuyện diễn ra vỏn vẹn chừng 5 phút. Chuyến phà tiếp tục đi, nhưng suy nghĩ của mình vẫn còn lảng vảng ở khúc sông khi nãy.

Nhìn sông, mình liên tưởng đến một câu chuyện khác. Chuyện một người đi đường bị cướp trấn lột, đánh tả tơi, bỏ nằm thoi thóp bên vệ đường. Tình cờ có một thầy tư tế đi ngang, nhìn nhìn tránh sang một bên rồi bỏ đi. Rồi một thầy Lêvi nọ cũng đi ngang, cũng nhìn nhìn, cũng tránh qua một bên rồi bỏ đi. Mặc ánh mắt như van xin, và hơi thở đứt quãng như cầu cứu của một con người đang nửa sống nửa chết. Vô vọng. Thế rồi một người khác cũng đi ngang qua, anh này bị những người vừa tránh ra và bỏ đi ấy xem là dân ngoại, anh đã cứu người bị thương kia. Đem về nhà trọ, băng bó vết thương, tận tình chăm sóc. Khi rời đi còn dặn chủ trọ thay anh chăm sóc người kia, mọi phí tổn anh sẽ chịu hết. Chơi đẹp ghê!

Chắc chắn câu chuyện trên đã quá quen với các tín hữu Công Giáo. Câu chuyện đó chính Chúa Giê su đã kể, với thông điệp kết thúc rất rõ ràng: “Hãy đi và làm như vậy!” Mình cũng chắc chắn hai cha con nọ và ông chủ đò thuộc nằm lòng câu chuyện và thông điệp trên. Thế nhưng, từ biết đến thực hành vẫn còn đó một khoảng cách mênh mông. Khoảng cách của hận thù, của nhỏ nhen ích kỷ. Khoảng cách thiếu tình yêu và sự tha thứ. ( Mình không quy chụp đầu, vì sau mình tìm hiểu thì biết được giữa hai gia đình này đã có xích mích từ lâu) Cái khoảng cách vô hình ấy tồn tại trong mỗi người và qua bao thế hệ. Cho nên, gần hai ngàn năm sau lời dạy của Chúa Giê su, thì đâu đó trên mặt đất này vẫn còn những câu chuyện buồn lòng như hôm nay.

Mình từ chợ về, nước đã lên, mừng nhưng không vui.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *